Khu du lịch Hầm Hô

4.9/5 - (1352 bình chọn)

Khu du lịch Hầm Hô được mệnh danh là Vịnh Hạ Long thu nhỏ của Bình Định với phong cảnh hoang sơ, lãng mạn, và là một điểm đến thú vị mà du khách nhất định không thể bỏ qua trong chuyến du lịch đến thành phố biển Quy Nhơn xinh đẹp.

1. Vị trí Khu du lịch Hầm Hô

Khu du lịch sinh thái Hầm Hô hiện tại thuộc quản lý của Công ty cổ phần du lịch Hầm Hô Rosa Alba, tọa lạc tại xã Tây Phú, huyện Tây Sơn, Bình Định, cách thành phố Quy Nhơn 50km về phía Tây Bắc, cách Bảo Tàng Quang Trung 5km. Vì vậy du khách có thể dễ dàng kết hợp tham quan cả hai địa điểm này trong cùng một ngày.

Hầm Hô là điểm du lịch tuyệt đẹp tại Bình Định

Đến với Khu du lịch Hầm Hô, du khách như được trở về với thiên nhiên hùng vĩ, được thả mình không khí mát lạnh trong lành và trút bỏ mọi lo toan của cuộc sống hiện đại.

Thuê xe máy khám phá Bình Định tại Rỗng Motorbike 0933 544 422!!

2. Nguồn gốc tên gọi “Hầm Hô”

Hầm Hô là một đoạn suối do hai nhánh sông Đồng Hưu và Sông Cát đổ vào sông Phú Phong. Không rõ cái tên này có từ khi nào. Người dân cho rằng do ở đây có một thác nước cao chừng sáu, bảy mét, đổ vào một hầm đá rộng phát ra tiếng kêu ầm ồ như tiếng hô, báo cho người chèo bè mảng biết sắp tới chỗ nguy hiểm mà lo phòng bị nên gọi là “Hầm Hô”.

Hầm Hô là địa danh nổi tiếng trên bản đồ du lịch Quy Nhơn

Đặc trưng của thắng cảnh Hầm Hô là sự kết hợp hài hòa giữa rừng cây, núi đá, cá nước, chim trời tạo thành một bức tranh thiên nhiên kỳ thú. Thời gian lý tưởng để đến đây là vào các mùa Xuân, Hạ, Thu. Chúng ta sẽ cảm thấy được sự tươi mát giữa cây xanh, nước xanh, trời xanh,…

3. Du lịch Hầm Hô tháng nào đẹp nhất?

Từ tháng 2 đến tháng 8 được xem là khoảng thời gian đẹp nhất đến Hầm Hô vì có thời tiết dễ chịu, khí hậu ôn hòa, đặc biệt thời điểm này nước lặng các bạn có thể du lịch quanh khu du lịch

Tháng 10,11 thường có mưa, lũ nên các bạn cần có sự cân nhắc và tham khảo cụ thể trước khi đến nơi này nhé!

Hầm Hô vào mùa hè nước lặn và xanh trong tuyệt đẹp

4. Phương tiện di chuyển đến Hầm Hô từ Quy Nhơn

Từ Quy Nhơn bạn có 3 phương tiện chủ yếu để đến Hầm Hô tự túc đó là xe máy ,xe ô tô và tuyến xe buýt T6. Các bạn có thể thuê xe máy hoặc xe ô tô tại thành phố Quy Nhơn để đến với Hầm Hô, qua quốc lộ 19B đến ngã tư Phú Phong (Tây Sơn), sau đó rẽ trái, chạy thẳng khoảng 5km là đến Khu du lịch Hầm Hô

Xem thêm: Top #11 Cửa hàng Thuê xe máy Quy Nhơn đỉnh nhất

Còn đối với tuyến xe buýt T6 các bạn chờ tại Siêu thị Coop Mart Quy Nhơn để bắt xe, sau đó đến Phú Phong đi xe ôm đến Hầm Hô

Bản đồ chi tiết Khu du lịch Hầm Hô Rosa Alba

Lưu ý: Để đến Hầm Hô, các bạn có thể lựa chọn Tour Tây Sơn – Hầm Hô 1 ngày của các công ty du lịch uy tín Quy Nhơn để có một chuyến đi thật trọn vẹn.

Tham khảo: Tour Quy Nhơn: Tour Hầm Hô Bảo Tàng Quang Trung Đàn kính thiên – Tây Sơn QN 03

5. Giá vé và giờ hoạt động khu du lịch Hầm Hô

Giá vé hiện nay: 20.000 vnd/người lớn

Giờ hoạt động: Từ 07h00 đến 17h00 hàng ngày

Du khách mua vé tại cổng khu du lịch Hầm Hô

6. Một số điểm tham quan nổi bật tại Hầm Hô

6.1. Dinh Tiền Hiền

Dinh Tiền Hiền là ngôi đền nhỏ nằm trên sườn núi, tả ngạn sông Hầm Hô, do dân làng lập ra đã lâu đời. Dinh thờ hai anh em ông Lê Kim Bôi, Lê Kim Bảng, người có công đức xây dựng công trình thủy lợi ngăn sông Hầm Hô.

Chuyện kể rằng vào cuối thế kỷ 18 thời Hậu Lê, ông Lê Kim Bôi được triều đình phong chức Điền sứ, xây dựng các công trình dẫn thủy nhập điền mở mang ruộng đất. Vì là nơi rừng thiêng nước độc lúc bấy giờ, ông từ giã cõi đời khi công trình còn dang dở. Người em trai của ông là Lê Kim Bảng tiếp tục công việc của anh cho đến khi hoàn tất. Ghi nhận công lao của bậc hiền nhân, người dân nơi đây đã xây dựng miếu thờ hai ông ngay trên bờ đập.

Dinh Tiền Hiền – Khu du lịch Hầm Hô

6.2. Đập Hầm Hô

Nơi chúng ta đang đứng trước đây là công trình thủy lợi đập được xây bằng mồ hôi nước mắt với những dụng cụ thô sơ nhất của người dân thời xưa bây giờ đã được thay thế bằng một đập bê tông vững chắc. Bờ đập làm cho nước dâng thành một hồ bơi êm ả, tạo thành bến đò cho thuyền đưa khách lại qua, làm lối đi sang bên hữu ngạn.

Đập tràn Hầm Hô hiện nay

Bờ đập rất đẹp khi nước vừa tràn qua rào rào như một chiếc rèm ngọc lung linh. Từ đây quý khách có thể lựa chọn phương tiện đò, thuyền đi vào sâu thắng cảnh Hầm Hô. Nếu quý khách không thích đi đò có thể đi bộ dọc theo con đường mòn, lối dành cho đi bộ và xe điện.

6.3. Đá Đôi

Phía trên bờ đập hai hòn đá nhô lên khỏi mặt nước và áp sát vào nhau người ta gọi là “Đá Đôi”. Có người cho rằng hòn lớn là hòn mái còn hòn nhỏ là hòn trống. Dù trải qua bao nhiêu trận lũ lớn, bao nhiêu bom đạn của chiến tranh, hai hòn đá vẫn không hề lay chuyển, điều đó thể hiện sự gắn bó không rời.

Đá Đôi tại Khu du lịch Hầm Hô

Có quan niệm cho rằng những ai đã đến Hầm Hô đứng trước Đá Đôi tâm niệm thành khẩn thì những ai chưa có ý trung nhân không lâu sau sẽ có một người vừa ý, còn nếu những ai đã có gia đình chắc chắn sẽ có được một niềm hạnh phúc vĩnh hằng.

6.4. Thác Cá Bay

Thác Cá Bay còn có tên gọi là Miệng Hầm Hô. Nơi đây thác mạnh đổ xuống gặp dãy đá chắn ngang thì dâng lên và thoát về hạ lưu bằng đường hầm sâu với dòng chảy cực mạnh. Các loài cá trên sông có tập tính vào mùa mưa kéo nhau xuôi về hạ lưu, có loài ra tận biển cả để sinh sôi. Mùa nắng các bố mẹ và con cái kéo nhau ngược dòng về thượng nguồn Hầm Hô đúng nơi chúng đã ra đi, khi về đến Miệng Hầm Hô chúng không bơi qua nổi dòng chảy cực mạnh ấy nên phải bay lên không trung vượt qua dãy đá rơi xuống thác để tiếp tục hành trình về nguồn.

Hầm Hô – non nước hữu tình

Ngày xưa ta cho rằng loài vật cũng tu luyện để hóa kiếp, vượt qua dãy đá cao nơi đây chính là một chặng sát hạch quan trọng của thiên đình đối với loài các để có thể hóa thành rồng. Vì vậy mà có tên gọi là “Thác Cá Bay”.

Hàng năm vào khoảng tháng Ba âm lịch, khi gió nam bắt đầu thổi, cá bắt đầu bay qua thác cho đến khi gió nam thổi rộ vào tháng Năm âm lịch. Vào mùa cá bay, dân làng đến đặt rổ lớn bằng tre đan trên dãy đá để hứng cá bay trông rất vui mắt.

Hầm Hô xứng danh là Vịnh Hạ Long thu nhỏ của Bình Định

Dân gian kể lại rằng đây là nơi mà thần tiên trên trời xuống du ngoạn vui chơi vào những lúc đêm khuya tĩnh mịch. Còn đó dấu chân trên đá của một ông khổng lồ ngồi câu cá hay phiến đá giữa lòng sông các vị tiên ngồi chơi cờ nên được gọi là bàn cờ tiên. Cạnh bàn cờ có hòn đá nước chảy xuyên qua người đời gọi đó là hòn vò rượu và nhiều cái tên thú vị khác nữa.

Trải qua năm tháng nước chảy đá mòn trên suốt chiều dài hơn 3km, trên lòng sông rộng trên dưới 30m là vô vàn khối đá muôn hình vạn trạng.

7. Hầm Hô – Chứng tích lịch sử dân tộc

Khi đến với thắng cảnh Hầm Hô, du khách không chỉ được thưởng ngoạn vẻ đẹp tuyệt trần của thiên nhiên mà còn có dịp sống lại với những ngày tháng hào hùng của lịch sử.

Chính tại nơi đây hơn 200 năm về trước, danh tướng Võ Văn Dũng đã rèn quân luyện võ, còn nữ tướng Bùi Thị Xuân đã mở một bãi luyện voi để rồi hợp lực với các thủ lĩnh Tây Sơn phất cờ khởi nghĩa.

Hầm Hô là nơi luyện binh của các anh hùng lịch sử dân tộc

Đây cùng là nơi Mai Xuân Thưởng là nguyên soái đạo quân Cần Vương tại Bình Định từ giữa 1885 đến giữa 1887 đã cầm quân gây cho giặc Pháp nhiều tổn thất và khiếp sợ. Hang nơi ông ở trong thời gian này gọi là hang Bạch Thủy, và trong kháng chiến chống Mỹ đây là căn cứ địa của huyện Tây Sơn. Vì thế danh thắng này còn có ý nghĩa thiêng liêng của một chứng tích lịch sử.

Giờ đây, khi non nước thái bình thì Hầm Hô lại trở thành một thắng cảnh thiên nhiên đẹp tuyệt vời và thu hút được hàng vạn du khách tìm đến tham quan.

8. Một số hoạt động khi đến Hầm Hô

8.1. Đi đò

Chiếc thuyền nan nhẹ nhàng lướt đi trên kênh Lộc Giang với dòng nước trong vắt, càng lúc càng đi sâu vào rừng. Những bụi cây ven bờ lòa xòa, giao tán, in bóng xuống dòng suối. Không gian bao phủ một màu xanh mát mẻ, chỉ có tiếng chim rừng, tiếng chèo khua nước và một cảm giác yên ả lạ kỳ. Ra khỏi con kênh, cảnh vật hùng vỹ như vỡ òa trước mắt. Thuyền sẽ đưa bạn qua hòn Bóng, Đá Đôi, hòn Chuông, Đá Thành, hang Bảy Cử, hòn Bánh Ít…

Đi đò trên sông Kút là trải nghiệm nhất định không thể bỏ qua

8.2. Đạp xe trên nước

Bạn sẽ được trải nghiệm đạp xe trên những chiếc xe đạp nước thể thao nhỏ nhắn, nhẹ nhàng.

Du khách đạp xe trên nước tại Hầm Hô

8.3. Câu cá thư giãn

+ Hồ cá nuôi ( Trắm cỏ, Chép, Mè, Trôi, Chim trắng…) có diện tích 600m2 có các chòi gỗ lợp lá. Du khách sẽ được thưởng thức những con cá tự câu được nếu yêu cầu Nhà hàng chế biến.

+ Tại những thác nước – vực sâu trên danh thắng, du khách có thể câu cá thiên nhiên có nhiều trên sông Kút như : cá Ngựa, cá Sốc, cá Mương, cá Niên, cá Chình…

Du khách trải nghiệm câu cá tại Hầm Hô

9. Bảng giá chi tiết các dịch vụ tại Khu du lịch Hầm Hô

STT DỊCH VỤ ĐVT ĐƠN GIÁ
1 Vé vào cổng (Đã có phí bảo hiểm) đ/Vé 20.000
2 Vé giữ xe ô tô (Trên 15 chỗ) đ/Vé 20.000
Vé giữ xe ô tô (Dưới 15 chỗ) đ/Vé 15.000
3 Vé giữ xe máy đ/Vé 3.000
4 Vé giữ xe đạp đ/Vé 2.000
5 Đi thuyền trên sông Kút đ/người/lượt 45.000
(Chuyến dưới 4 khách) đ/lượt 180.000
6 Nhà sàn nghỉ trưa đ/nhà/lượt 210.000
7 Xe đạp nước đơn – đôi đ/ 30 phút 50 – 70.000
8 Võng nghỉ trưa, ghế xếp đ/Cái 30.000
9 Áo phao tắm sông đ/Cái 20.000
10 Dịch vụ Karaoke di động đ/Giờ 200.000
11 Dịch vụ câu cá thư giãn
– Cho thuê cần câu, mồi câu đ/Cần 30.000
– Cá chế biến phục vụ tận nơi đ/Kg 160.000
12 Đốt lửa trại đ/Lượt 1.000.000
13 Khách sạn 1 sao – Thuê trong ngày đ/Phòng 220.000
14 Khách sạn 1 sao – Thuê qua đêm
– 02 người đ/Phòng 330.000
– 03 người đ/Phòng 390.000
– 04 người đ/Phòng 440.000
15 Xe điện trung chuyển (Cổng đến nhà hàng) đ/Người 30.000
(Chuyến dưới 7 khách) đ/Lượt 200.000
16 Xe đạp đơn – đôi đ/Giờ 40 – 60.000
17 Bãi cỏ chơi Team Building (Dưới 50 khách) đ/Lượt 1.000.000
18 Xích đu chụp hình đ/Lượt 20.000
19 Chương trình Gala “Đêm giữa đại ngàn Hầm Hô” Theo thời điểm
* Đốt lửa trại
* Xem biểu diễn của các võ sinh và giao lưu võ thuật
* Thưởng thức dân ca Bài chòi Bình Định
20 Biểu diễn trống trận Tây Sơn và Nhạc võ đ/Lượt Theo thời điểm
21 Học làm bánh cổ truyền miền Trung (Từ 50 khách) đ/Lượt Theo thời điểm
* Thưởng thức và tự tay làm bánh cổ truyền miền Trung (Bánh Xèo, Bánh ít lá gai, Bánh in đậu xanh, đậu đen…) – Mang sản phẩm ra về

10. Các món ăn đặc trưng tại Hầm Hô

Hiện tại bên trong khu du lịch Hầm Hô có nhà hàng Lộc Vừng. Đây là nơi lý tưởng để các bạn thưởng thức những món ăn đặc trưng địa phương tại nơi đây.

10.1. Cá mương cuốn bánh tráng

Cá mương tại Hầm Hô có dáng nhỏ, sống chủ yếu ở sông suối. Cá nướng hoặc chiên lên cuốn bánh tráng là món đặc sản của Hâm Hô. Khi mang ra cho thực khách, những con cá giòn rụm sẽ được đặt trên một cái mẹt có lá chuối phía trên, xung quanh là rau giá nhà trồng, chút bún tươi và bánh tráng mềm để cuốn.

Cá mương chiên giòn cuốn bánh tráng là đặc sản tại nơi đây

10.2. Chim mía Roty

“Ai về Kiên Mỹ, Phú Phong

Ăn con chim mía thỏa lòng ước ao”

Đồng mía Tây Sơn – Phú Phong giờ vẫn ngát xanh, là chỗ cho chim mía ngày càng sinh sôi nảy nở, đủ sức đãi mời du khách gần xa.

Đặc sản chim mía nổi tiếng trên mảnh đất Tây Sơn – Bình Định

10.3. Rau lang luộc chấm mắm cua

Đây là một món ăn dân dã nhất định phải thử khi đến Hầm Hô.

10.4. Dé Bò canh lá giang + khổ qua

Một món ăn đặc biệt khác rất nổi tiếng là đặc sản “dé bò” ở huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, một trong những món tạo được ấn tượng sâu đậm đối với những ai đã từng trải nghiệm. Đến Hầm Hô, các bạn hãy gọi ngay một phần nóng để vừa ăn vừa thưởng thức phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp nơi đây nhé.

11. Thông tin liên hệ Khu du lịch Hầm Hô

CÔNG TY CỔ PHẦN DU LỊCH HẦM HÔ ROSA ALBA

Địa chỉ: Thôn Phú Mỹ, Xã Tây Phú, Huyện Tây Sơn, Tỉnh Bình Định
Văn phòng: 0256.3880.860
Nhà Hàng: 0256.2475.273
Hotline: 0862577077
Email: hamhorosaalbatourist@gmail.com

Thùy Trâm (Rỗng Motorbike)

Call Now Button