Chùa Thập Tháp ngôi chùa cổ trên 300 năm tuổi tại An Nhơn, Bình Định

Chùa Thập Tháp - Ngôi chùa cổ nhất tại Bình Định

Chùa Thập Tháp hay Thập Tháp Di Tự Đà, là ngôi chùa cổ xưa nhất ở mảnh đất Bình Định được xây dựng vào thế kỉ 17. Đây là công trình kiến trúc có ý nghĩa lịch sử và cũng là điểm đến tâm linh thu hút khách du lịch gần xa đến ghé thăm và lễ Phật.

Chùa Thập Tháp - Ngôi chùa cổ nhất tại Bình Định
Vẻ bình yên nơi Chùa Thập Tháp

Giới thiệu chung Chùa Thập Tháp

Chùa Thập Tháp là một trong 5 ngôi chùa tại Bình Định được chép vào sách Đại Nam nhất thống chí (cùng với các chùa Thạch Cốc, Linh Phong, Nhạn Sơn, Long Khánh). Ngoài ra, Chùa đã được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia vào ngày 09 tháng 01 năm 1990.

Chùa Thập Tháp Bình Định - Khám Phá Di Tích Lịch Sử Tâm Linh

Được xây dựng vào năm 1668  bằng vật liệu là các viên gạch đỏ lấy từ phế tích 10 Tháp Chăm bị sụp đổ xung quanh , ngôi chùa được gọi là Chùa Thập Tháp và được chúa Nguyễn Phúc Chu ban cho biển ngạch Thập Tháp Tự Di Đà. Vị khai sơn nên Chùa Thập Tháp là Thiền sư Nguyên Thiều phái Lâm Tế.

Trải qua hơn 300 năm lịch sử, Chùa Thập Tháp là bộ sử bằng di tích thể hiện quá trình phát triển của Phật giáo Đàng Trong và là ngôi tổ đình của phái Lâm Tế. Không chỉ giá trị lịch sử lớn lao, ngôi chùa còn là điểm đến thu hút khách du lịch bằng công trình kiến trúc xa xưa có quy mô hoành tráng.

Vị trí và hướng dẫn đường đi đến Chùa Thập Tháp

Chùa Thập Tháp tọa lạc tại thôn Vạn Thuận, phường Nhơn Thành, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định, cách thành phố Quy Nhơn 27km về phía Bắc.

Chùa được xây dựng cạnh đồi Long Bích (hay còn được gọi là gò Thập Tháp). Khu đồi này có chu vi gần 1km hình mai rùa. Tương truyền rằng, xưa kia, người Chăm đã xây dựng 10 ngọn tháp để yểm hậu cho thành Vijaya.

Gần chùa Thập Tháp có Thành Đồ Bàn và Tháp Cánh Tiên. Đây đều là những di tích rất nổi tiếng của thị xã An Nhơn.

Từ thành phố Quy Nhơn, du khách có thể dễ dàng theo Quốc lộ 1A đi theo hướng Bắc hướng về thị trấn Đập Đá. Qua thị trấn Đập Đá đến cầu Vạn Thuận, nhìn bên tay trái là con đường nhỏ khoảng 200m dẫn vào chùa. Con đường nhỏ nối từ Quốc lộ 1A đến Chùa Thập Tháp chính là một đoạn phế tích bờ Bắc thành Đồ Bàn xưa.

Con đường nhỏ dẫn vào Chùa Thập Tháp
Con đường nhỏ dẫn vào Chùa Thập Tháp

Tham khảo: Tổng hợp dịch vụ thuê xe máy

Hoặc bạn có thể ghé thăm khi từ sân bay Phù Cát về trung tâm thành phố Quy Nhơn. Bạn sẽ trả phí thêm 50k cho để dừng chân tại địa điểm này.

Tham khảo: Xe dịch vụ sân bay Phù Cát

Dưới đây là chỉ dẫn Google Map đến Chùa Thập Tháp:

Kiến trúc ấn tượng Chùa Thập Tháp

Chùa có mặt chính quay về phía đông. Trước cổng tam quan là một ao sen không bao giờ cạn nước, xa xa là ngọn Thiên Đinh Sơn (núi Mò Ó). Về mặt phong thủy, núi này như một bức bình phong che chắn cho Chùa. Phía nam ngôi chùa là thành Đồ Bàn có tháp Cánh Tiên sừng sững. Bao bọc phái bắc ngôi chùa là con sông Quai Vạc và sau lưng Chùa là chi lưu của sông Côn chạy dọc theo sườn đồi.

Trên con đường nhỏ đi vào, ấn tượng đầu tiên đến với du khách là hồ sen rộng khoảng 500m2, mỗi độ hè về sen nở thơm ngát một vùng. Trước cổng chùa là hai trụ biểu vuông cao, trên đặt hai tượng sư tử ngồi uy nghi, nối một vòng cung, phía trên có gắn hai chữ “Thập Tháp”. Sau cổng là tấm bình phong, mặt đắp nổi long mã phù đồ đặt trên bệ chân quỳ, mặt trước đã mất các họa tiết do thời gian, mặt sau đắp nổi long mã phù đồ.

Chùa Thập Tháp - Ngôi chùa cổ nhất tại Bình Định

Kiến trúc Chùa Thập Tháp hình chữ ‘khẩu”, có 4 khu vữ chính: khu chính điện, khu phương trượng, khu tây đường và khu đông đường

  • Khu chính điện có diện tích khoảng 400m2, là một ngôi nhà 5 gian. 3 gian giữa là điện thờ (Đại hùng điện) gồm các khám thờ tam thế Phật (Thích Ca, Di Đà, Di Lặc) và thờ tượng Quan Âm. Hai gian phụ hai bên là phòng chúng tăng. Ngoài ra còn có ba khám thờ khác đặt ở hai vách hông và đối diện với khám chính trước hành lang. Hầu hết các tượng thờ trong chính điện được tạc vào thời Thiền sư Minh Lý trụ trì (1871-1889). Kiến trúc khu chính điện vẫn giữ được nét đẹp cổ kính dù đã qua nhiều giai đoạn trùng tu.
    Khu chánh điện Chùa Thập Tháp
    Khu chánh điện được bài trí trang nghiêm
  • Khu phương trượng rộng khoảng 130m2, nằm đối diện với chính điện qua sân trời, do Quốc sư Phước Huệ cho xây vào năm 1924. Phương trượng chia làm ba gian, gian giữa thờ Hòa thượng Phước Huệ (1869-1945) đời thứ 40 với bức chân dung toàn thân, hai gian bên là chỗ nghỉ cho khách tăng.
  • Khu đông đường (bên trái) và tây đường (bên phải) đối xứng nhau. Đông đường là nơi tiếp khách và chỗ ở của tăng chúng. Do bị hư hại nặng, vào năm 1967, khu này đã được trùng tu gần như mới hoàn toàn. Tây đường có lối kiến trúc gần giống phương trượng, mái lợp ngói âm dương, là nơi thờ phụng Sơ tổ khai Sơn (Nguyên Thiều), chư vị chủ trì và Phật tử quá vãng.
    Chùa Thập Tháp - Một góc bình yên
    Một góc bình yên nơi Chùa Thập Tháp

Ngoài bốn khu vực chính còn có Nhà thánh kiến trúc đơn giản ở khu vực phía Tây. Đây là nơi thờ Cửu Thiên Huyền Nữ, Quan Công, Thập Điện Diêm Vương… Nhà trù (bếp) nằm ở phía đông, gắn liền với dãy đông đường. Khu mộ tháp nằm bên trái chùa bao gồm 21 bảo tháp lớn nhỏ, mang phong cách kiến trúc của nhiều thời kỳ khác nhau. Xưa nhất là tháp Đạo Nguyên Thiền Sư (1656 – 1716) và Minh Giác Kỳ Phương (1682 – 1744).

Hình ảnh bảo tháp tại Chùa Thập Tháp
Hình ảnh bảo tháp tại Chùa Thập Tháp

Dù trải qua nhiều lần trùng tu, Chùa Thập Tháp vẫn giữ được chất cổ kính trong một tổng thể hài hòa. Vẻ cổ kính, tôn nghiêm ấy được thể hiện rõ nét qua những nét chạm trổ cầu kì, những hàng cây cổ thụ tỏa bóng và cả mái ngói âm dương truyền thống.

Mái ngói âm dương Chùa Thập Tháp
Mái ngói âm dương bền vững qua thời gian

Chùa còn lưu giữ 2.000 bản khắc gỗ dùng in kinh Di Đà sớ sao, Kim Cang trực sớ, Pháp Hoa khóa chú … Bộ Đại Tạng Kinh do Tổng trấn Hà Tiên Mạc Thiên Tứ cúng dường còn 1.200 quyển kinh, luật, luận và ngữ lục.

Hơn 300 tồn tại, Thập Tháp Di Đà tự đã chứng kiến biết bao sự kiện lịch sử gắn liền với những bước ngoặt lớn lao của đất nước, của dân tộc. Chùa Thập Tháp trở thành trung tâm Phật giáo lớn của tỉnh Bình Định, là quần thể kiến trúc có quy mô lớn và là di tích tiêu biểu của khu vực miền Trung Việt Nam.

Sự tích Hòn Đá Chém tại Chùa Thập Tháp

Tương truyền rằng, sau khi Nguyễn Ánh chiếm được thành Hoàng Đế đã chiêu dụ những người trong hoàng tộc nhà Tây Sơn ra đầu thú, hứa hẹn rằng sẽ không trả thù. Tuy nhiên, khi họ ra đầu thú, Nguyễn Ánh nuốt lời cho chém sạch. Tảng đá dùng để kê đầu tôn thất nhà Tây Sơn lên chém được đặt ngay cổng thành Hoàng Đế. Từ đó, hằng đêm trong tảng đá vẳng ra tiếng than khóc ai oán, đòi mạng thống thiết, người dân và quan quân nhà Nguyễn không ai dám đi ngang qua cổng thành.

Hòn Đá Chém tại Chùa Thập Tháp
Hình ảnh Hòn Đá Chém tại Chùa

Để cứu chúng sinh, một vị trụ trì chùa Thập Tháp xin được lập đàn cầu siêu để giải nỗi oan khuất. Sau 3 ngày đêm kinh kệ, nhà sư cho người mang hòn đá kia về  đặt cạnh cây thị cổ thụ 300 năm tuổi nằm phía nam tường thành nhà chùa và được đặt tên là Hòn Đá Chém. Nhưng nỗi oan khiên trong Hòn Đá Chém vẫn còn vất vưởng. Vào những đêm mưa gió, người ta thường thấy một phụ nữ mặc áo cụt trắng, quần đen bước ra từ Hòn Đá Chém. Chó trong chùa sủa là bóng người phụ nữ kia biến mất.

Khi hòa thượng Chơn Luận Phước lên làm chủ trì, ông đã chuyển hòn đá chém thành bậc tam cấp trước khu phương trượng, sau lưng chánh điện của chùa để được nghe kinh kệ. Theo Thiền sư Không Ấn Mật Hạnh, đệ tử của Quốc sư Chơn Luận Phước Huệ, cách đây vài chục năm, vào những đêm trước giao thừa khi nhà chùa tổ chức cúng hành binh, sau khi đổ 3 hồi trống chiêng là sẽ có một dải lụa trắng, tỏa hào quang sáng rực bay lượn qua ngang chánh điện một lần rồi biến mất.

Ngày nay, Hòn Đá Chém vẫn còn đặt tại cửa khu phương trượng của chùa Thập Tháp (cao khoảng 40 cm, dài 1,5 m, rộng 1,3 m) nhưng chuyện ma quái không còn xuất hiện. Hằng năm, đến ngày giỗ hòa thượng Chơn Luận Phước Huệ (21 tháng giêng âm lịch), hàng ngàn phật tử đến dự, nhìn Hòn
Đá Chém, không ít người rơi nước mắt nhớ đến những anh hùng hào kiệt thời Tây Sơn.

Một số lưu ý khi viếng Chùa Thập Tháp

  • Ăn mặc lịch sự
  • Không hành nghề mê tín, dị đoan
  • Không đùa giỡn, ồn ào
  • Không bứt hoa bẻ cành, vứt rác bừa bãi, chạm khắc chữ trên thân cây.

Tổng hợp thêm Du lịch Quy Nhơn Top 32 địa điểm được yêu thích nhất

Tour du lịch khám phá – trải nghiệm Quy Nhơn, Bình Định